(Thủy sản Việt Nam) - Dù nhiều khó khăn nhưng nửa đầu năm ngành nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 0,83%. Với nhiều giải pháp trọng tâm cho chặng đường cuối, toàn ngành hướng đến mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
Duy trì đà tăng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội nói chung, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta nói riêng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sang quý II/2020, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,19%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%. Dự kiến tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 1%.
Ảnh minh họa
Cụ thể, về chăn nuôi, tổng sản lượng thịt các loại ước 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt lợn ước 1,64 triệu tấn, giảm 8,8%; gia cầm ước 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%; thịt bò 187,5 nghìn tấn, tăng 4,1%; trứng đạt 7,22 tỷ quả, tăng 11%; sữa bò tươi đạt 522,2 nghìn tấn, tăng 8,1%.
Về thủy sản, tổng sản lượng 6 tháng ước gần 3,86 triệu tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4%; nuôi trồng đạt 1,98 triệu tấn, tăng 1,8% (cá tra đạt 644,7 nghìn tấn, giảm 5%; tôm sú 118,7 nghìn tấn, tăng 1,1%; TTCT 200,5 nghìn tấn, tăng 6,6%). Giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Bứt tốc cuối năm
Bên cạnh bất lợi về thị trường xuất khẩu chính thì vẫn có những nhóm thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho các sản phẩm nông sản Việt, nhất là với nhóm hàng thủy sản.
Như chia sẻ của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel Lê Thái Hòa, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 11,09 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt 2,92 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; xuất khẩu mực đông lạnh đạt 1,94 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,01 và Israel đứng thứ 9 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu cá tra đạt 1,35 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,24%. Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 48 trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cho sự phát triển cả về sản xuất, lẫn xuất khẩu; nhưng ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng, tạo động lực phát triển.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam đi vào thị trường châu Âu. Đây là những tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp chớp lấy thời cơ duy trì tăng trưởng, tạo đà phát triển. Theo đó, biện pháp hữu hiệu nhất để ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay là tập trung chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản. Cùng với việc xây dựng các chuỗi sản xuất, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương và bộ, ngành đàm phán gỡ các rào cản thương mại, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.
Là một trong những mặt hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm chưa có nhiều khả quan. Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm, ngành hàng này cần rất nhiều giải pháp cho sự phát triển. Như chia sẻ của ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, muốn bứt phá, người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt so với sản phẩm cá thịt trắng khác sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm cá tra thay vì các sản phẩm khác. Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng con giống, đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong mọi điều kiện và mở rộng thị trường cũng là vấn đề các chuyên gia lưu ý.
Theo : Báo Thủy Sản Việt Nam.