“Điều Chỉnh Đường Bơi” Cho Cá Tra Việt Nam

Thời kỳ vàng son của cá tra Việt Nam đang trở lại, bắt đầu bằng cách làm bài bản, chuyên nghiệp, cùng cái tâm của các doanh nghiệp Việt.

Cách đây khoảng 10 năm, với “đường bơi sai lệch”, con cá tra - đặc sản thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giúp nhiều người nuôi cá sống “khỏe” từ bao đời - từ “phúc” đã trở thành “họa” khi làm cho nhiều doanh nghiệp (DN), hàng ngàn người nuôi cá phá sản, lún sâu vào nợ nần. Đã có những người âm thầm “điều chỉnh đường bơi” cho cá tra, và bằng cách đó họ tìm lại thời kỳ vàng son cho loại cá da trơn này… 

Những “Robinson” “ăn ngủ cùng cá tra”
Ngày 6.9.2018, trên cồn Linh nằm giữa sông Hàm Luông (Giồng Trôm,  Bến Tre) có cuộc họp của gần 30 “Robinson” trên sông Tiền - những “chúa đảo”, mỗi người phụ trách 1 cù lao (tiếng địa phương gọi là “cồn”) nằm giữa sông Tiền hoặc những nhánh của sông Tiền.

Công việc của các “Robinson” trên “cồn” là tổ chức nuôi cá tra “sạch” (“cá tra sinh thái”, “cá tra Global Gap”), theo tiêu chuẩn quốc tế, được các thị trường khắt khe như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… chấp nhận. Đôi tháng 1 lần, họ tập trung lại trên 1 “cồn” nào đó để bàn một chuyện duy nhất: Nuôi cá tra an toàn, chất lượng, hiệu quả. 

Chủ nhà của cuộc họp ngày hôm ấy là “Robinson” nữ Phạm Thị Thanh Thúy - “cồn trưởng” cồn Linh. Ngoài chị Thúy, trong số gần 30 “Robinson” trên sông Tiền dự họp ngày hôm ấy còn có 2 “Robinson” nữ khác là Trần Thị Út và Dương Bích Tuyền. 

Chị Thúy cho biết, “biên chế” cho mỗi cồn là 4 - 5 kỹ sư (ngành nuôi trồng thủy sản) và 20 - 30 công nhân. Tất cả đều là dân trong “đất liền”, nhiều người ở rất xa, tận Đồng Tháp, Cà Mau. Ở trên cồn, họ được lo chỗ ăn, nghỉ, tuy đơn sơ nhưng “an toàn, sinh thái”. Ngoài những lúc có chuyện đột xuất cần nghỉ phép, mỗi tháng họ có 2 ngày “tự do” vào đất liền, còn lại phải “cắm trại” trên cồn. 

Nghề nuôi cá tra “sinh thái” thật lắm công phu! Vì vậy ở mỗi điểm nuôi có đến 4 - 5 kỹ sư. Người lo chuyện nước: Nồng độ muối của nước sông, độ “đỏ” phù sa trong nước, mực nước cao hay thấp, lúc nào lấy nước vào ao nuôi, lúc nào xả nước ra sông… Người lo chuyện thức ăn: Cho cá ăn vào giờ nào, lượng thức ăn sao cho không thừa cũng không thiếu, loại thức ăn theo chu ký sinh trưởng của cá… 

Những người khác lại lo chuyện con giống, theo dõi sự phát triển của cá, vệ sinh ao nuôi, trị bệnh cho cá… Tất cả các công việc đều thực hiện đúng bài bản, theo “quy trình” quốc tế, được giám sát chặt chẽ bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.

Chị Thúy cùng quê với Nữ tướng Nguyễn Thị Định - xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Sau khi tốt nghiệp ra trường ngành “bệnh thủy sản” cách đây gần 10 năm, chị về làm việc tại cồn Linh khi điểm nuôi các tra “sạch” này đi vào hoạt động. Với 23 ao nuôi, tổng diện tích mặt nước hơn 22 hecta, điểm nuôi “cồn Linh” cung cấp cho nhà máy mỗi năm trên 10.000 tấn cá. Cũng như mọi người, mỗi tháng chị Thúy có 2 ngày về đất liền thăm nhà, còn lại quanh năm ở giữa sông để “ăn ngủ cùng cá tra”. 

Rất nhiều DN khác ở Tiền Giang, Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL cũng đang tự tạo cho mình vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến, XK. Hầu hết các DN đã vượt qua mức 50% nguồn cá tra tự nuôi, nhiều DN đạt ngấp nghé 100% …

Cá tra... lấn biển 
Khi vừa đặt chân lên điểm nuôi “cồn Linh”, tôi bất ngờ vì nơi đây như một điểm du lịch sinh thái với bờ dừa thẳng tắp, cảnh quan sạch đẹp nhiều hoa, đặc biệt không thấy 1 miếng rác, xung quanh lán trại trồng nhiều rau cải bầu bí gợi nhớ một thời “tự cung tự cấp”. Sau tôi mới hiểu, “xanh - sạch - đẹp” cũng là 1 tiêu chí đối với điểm nuôi “cá tra sinh thái”.

Cá tra vốn chỉ sinh sôi ở Biền Hồ bên Campuchia, vào mùa lũ, trứng cá từ Biển Hồ theo dòng nước sông Mê Kông trôi về vùng ĐBSCL. Từ xa xưa, người dân ĐBSCL sống ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đã biết vớt trứng cá tra trong bọt nước lũ để ươm nuôi, phát triển dần thành những “làng bè” nuôi cá tra. 

Vào thập niên 1990, khi tỉnh An Giang thành công “ép” cá tra sinh sản tự nhiên, đã giúp phát triển phong trào nuôi cá tra ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…, kéo theo ngành chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển rất nhanh. Nhưng rồi, thời kỳ vàng son ấy không kéo dài được lâu khi kiểu làm ăn chụp giật, nghề nuôi không được quản lý, các DN thì cạnh tranh “bẩn”, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng, làm cho cả người nuôi cá và DN xuất khẩu (XK) đều bị lỗ, nhiều người phá sản, nợ nần, người dân “phơi ao”, ngành công nghiệp cá tra rơi vào thời kỳ ảm đạm. 

Chính  lúc này, một số người đã bình tĩnh nhận ra cái “nguy” và cái “cơ” trong con cá tra. Vấn đề cốt lõi là làm sao quản lý được vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cá tra, để đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu khắc phục được tập quán nuôi nhỏ lẻ, người nông dân tự nuôi rồi bán nguyên liệu cho DN chế biến XK, sẽ không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Một vài DN ở Tiền Giang, Bến Tre đã “đột phá” bằng cách tự tổ chức nuôi cá để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Nhưng đất đai ven sông chật hẹp, dân cư đông đúc, không có quỹ đất đủ rộng để nuôi theo mô hình trang trại. Với lại, môi trường nơi đông dân cư không sạch sẽ, khó cách ly dịch bệnh… 

Ông Nguyễn Văn Đạo (TGĐ Cty CP Godaco - KCN Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) quê ở huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), cũng từng “điêu đứng” trong cơn “nóng lạnh” của con cá tra, chợt nhớ tới những cù lao nằm giữa sông Hàm Luông quê ông. Cù lao đất rộng người thưa, môi trường chưa bị ô nhiễm, chủ yếu trồng dừa giá trị thấp, nếu chuyển sang nuôi cá tra sẽ thuận lợi.

Nhưng các “cồn” nằm ở cuối nguồn, cách biển chỉ trên dưới 10km, vào mùa khô nước sông bị mặn xâm nhập, mà cá tra là loài cá nước ngọt. Một ý tưởng táo bạo đã xuất hiện trong đầu người doanh nhân mới ngoài 40 tuổi mà tóc đã bạc trắng này: Tập cho cá tra quen môi trường nước mặn. Và cồn Linh (cách biển khoảng 12km) đã là nơi được chọn cho cá tra làm quen với nước mặn.

Không khó để các kỹ sư hiểu rằng, cá tra có thể chịu được độ mặn đến 8‰ (phần ngàn), nhưng nếu độ mặn tăng đột ngột cá sẽ bị sốc, “tuột” nhớt và chết. Vì vậy, vấn đề là tập cho cá thích nghi dần với độ mặn.

Đầu tiên phải cho cá giống thuần dưỡng bằng nước ngọt kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó cho nước sông đã nhiễm mặn vào ao, đến khi độ mặn trong ao đạt 1‰ thì dừng. Một vài tuần sau tiếp tục đưa nước mặn từ sông vào ao để nâng độ mặn lên thành 2‰ và cứ thế đến khi độ mặn trong ao đạt 8‰ là lúc cá cũng vừa lớn tới. 

“Cồn trưởng” Thúy cho biết, khi nuôi cá tra bằng nước mặn con cá sẽ chậm lớn hơn so với nuôi bằng nước ngọt. Bù lại cá tra nuôi nước mặn có thịt màu trắng, mùi thơm đặc trưng nên được khách hàng ưa chuộng. Một thuận lợi khác là khi nuôi cá tra bằng nước mặn, sẽ giảm đến 80% các loại bệnh ký sinh trùng ngoài da hay bệnh sán lá gan... 

Vậy là, từ một vài ao nuôi thành công trên cồn Linh, đến nay, Godaco đã có hàng trăm ao với khoảng 240ha mặt nước trên các cồn nằm giữa sông Tiền. Từ một vài kỹ sư ban đầu, đến nay đội ngũ nuôi cá tra của Godaco đã lên đến hơn 120 người, cùng với gần 500 công nhân nuôi.

Tỉ lệ cá tra nguyên liệu tự nuôi của Cty ngày càng tăng lên. Cty là DN đầu tiên cả nước tự chủ 100% nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến, XK - điều kiện quan trọng để DN được cấp các chứng chỉ chất lượng quốc tế, cho phép sản phẩm cá tra của DN đi vào các thị trường khó tính nhất.


Nguồn: Tép Bạc